Trong các loại hải sản của vùng biển Quảng Ninh, ngán là loại đặc sản khá độc đáo. Ngay từ tên gọi cũng làm cho ai lần đầu nghe cũng không khỏi ngạc nhiên và tò mò. Tuy tên gọi là thế, nhưng ngán rất hấp dẫn, không ngán một chút nào.
Là loài động vật thân mềm, sống trong các vùng lầy, các bãi triều cửa sông, cửa biển, ngán có vẻ ngoài khá giống ngao nhưng vỏ thì nâu đen, cứng và dầy hơn. Nhưng vỏ ngao màu sáng còn ngán thì đen và dầy hơn.
Người tra thường đi bắt ngán lúc triều xuống, ở Quảng Ninh gọi là đi “Xăm” ngán bởi lúc đi bắt người ra sẽ dùng một chiếc que sắt dài chừng 0,8 – 1 mét để xăm xuống cát, hễ cứ nghe tiếng “cục” như xiên vào đá cứng là có ngán.
Ngán, sò ở Yên Hưng (Quảng Ninh) là nổi tiếng nhất bởi nó không chỉ ngon mà còn rất béo. Ngán được chế biến đủ các món như: ngán nướng, ngán hấp, hai món này được chấm với tương ớt trộn ít bột canh, hạt tiêu, vắt miếng chanh tươi, ăn cùng với các loại rau thơm. Cháo ngán rắc lá hành, rau răm thêm ít hạt tiêu, hành khô phi vàng lên trên. Ngán xào với mì và rau cải cũng rất hấp dẫn… bởi vị ngọt đậm đà của ngán nên gọi là “ngán” nhưng khi ăn sao không thấy ngán chút nào. Ngán nhiều đạm, mát và bổ, dùng làm thức ăn cho người mẹ cho con bú thì rất nhiều sữa.
Tham khảo:
Món ngán nướng
Nếu Hải Phòng nổi tiếng với món bún tôm thì đến Quảng Ninh món bún xào ngán lại mang đến cho một hương vị mới làm bạn đã ăn một lần là nhớ mãi đến hương vị. Thoạt trông thì món ăn có vẻ ngoài không được bắt mắt cho lắm bởi bún trắng trộn với ngán đen, thêm hành và mộc nhĩ cũng toàn thứ xanh – đen nhưng khi thưởng thức, quen vị thì đây là món dễ gây nghiện vì vị nồng nồng, đậm đà riêng có của nó.
Ngán rửa và chà vò cho sạch, ngâm vớt chút ớt cho nhả sạch cát. Cứ ngâm và thay nước đến khi thấy nước ngâm trong veo. Dùng dao tách vỏ ngán và hứng lấy cả cái, cả nước ngán vào riêng từng bát. Bát nước ngán thì đề yên cho lắng cặn rồi chắt lấy phần nước bên trên, nhiều người coi đây là phần tinh túy và ngon nhất của ngon ngán. Phần thịt ngán cho vào nước, tỉ mỉ lấy tay bóp và miết nhẹ để đẩy hết các phần bùn bẩn còn sót lại và rửa sạch để ráo. Xào bún trên chảo to, lửa to kèm hành khô cho thơm, thêm thịt ngán, rưới nước ngán, khi chín tới thì thêm hành lá mộc nhĩ. Bắc chảo ra rắc hạt tiêu, ăn nóng. Món ăn chỉ đơn giản, dân dã vậy thôi nhưng khiến bao người con miền biển này mỗi khi nhắc đến lại nhớ quê da diết…
Không chỉ được chế biến thành các món ăn mà ngán còn được chế biến thành một thức rượu nổi tiếng ở Hạ Long. Rượu ngán pha chế muốn ngon cũng phải đảm bảo đúng quy trình và có bí quyết.. Tiết ngán nằm trong con ngán có màu đỏ thẫm, khi tách bầu tiết ra khỏi thân ngán phải nhẹ nhàng, không được để bầu tiết vỡ. Cho bầu tiết vào trong một chiếc cốc thuỷ tinh, đổ rượu trắng vào cốc, dùng dụng cụ đánh trứng để đánh tan bầu ngán. Tiết ngán được hoà tan trong rượu có màu đỏ nhạt, khi uống có vị cay, ngọt và mùi thơm đặc trưng.
Đêm đông lạnh giá, ngồi với bạn bè bên bờ biển của Vịnh Hạ Long; cùng nhau quây quần bên bếp lửa hồng, cùng nướng vài con mực khô, vài con sò huyết rồi nhấp vài ngụm rượu tiết ngán; cảm giác ấm áp, đắm mình vào gió, vào thiên nhiên thật tuyệt vời.
Nếu bạn có dịp về Hạ Long đừng quên thử cảm giác thú vị, khó có thể quên này nhé!